Tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (LIV) đã thực hiện một dự án trong suốt đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư tại Việt Nam: giám sát những việc làm của chính quyền.
Vào lúc này, khi dịch đã vãn, LIV muốn giới thiệu một phần những dữ liệu mà chúng tôi đã thu thập được để phục vụ công chúng.
Hy vọng các dữ liệu này có thể giúp chúng ta không quên thảm cảnh mà mình đã phải trải qua và tránh cho lịch sử bị bôi xóa.
Hồ sơ COVID-19 này cũng là hồ sơ đầu tiên của một dự án mới của chúng tôi, LIV Data, có địa chỉ tại data.liv.ngo.
Với dự án này, LIV sẽ thu thập và hệ thống hóa dữ liệu về các vụ việc, sự kiện, vấn đề mà chúng tôi cho là quan trọng và có rủi ro cao sẽ bị xóa khỏi Internet vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do kiểm duyệt và kỹ thuật.
Lưu ý về bản quyền:
Các thông tin trong hồ sơ này được thu thập từ báo chí và mạng xã hội. Chúng tôi thực hiện sao lưu các trang web và tải các video về kho lưu trữ riêng để phòng trường hợp các dữ liệu bị xóa/ thay đổi (trên thực tế, việc này thường xuyên xảy ra).
Luật Khoa không giữ bản quyền của các dữ liệu này. Chúng tôi cũng xin được thứ lỗi vì không thể truy nguyên được tác giả của các video trên mạng. Trân trọng cảm ơn các bạn đã mạo hiểm ghi lại những hình ảnh này.
*Công bố lần đầu ngày 30/10/2021. Cập nhật ngày 23/8/2022.
Theo quy định giãn cách trong đại dịch COVID-19 tại Việt Nam theo Chỉ thị 16, người dân chỉ được ra ngoài khi có nhu cầu "thiết yếu". Tuy vậy, không có một quy định thống nhất về "hàng hóa, dịch vụ thiết yếu", mỗi địa phương có một quy định khác nhau.
Sau nhiều vụ việc gây tranh cãi, ngày 27/7, Bộ Công Thương ra Công văn số 4482 đề xuất Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa "cấm lưu thông" thay vì liệt kê danh mục "hàng hóa thiết yếu". Đề xuất này không được triển khai. Đến ngày 25/8, trong một cuộc họp, bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đề nghị công nhận tất cả hàng hóa đều là thiết yếu.
Điểm lại những vụ việc gây nhiều tranh cãi xung quanh định nghĩa thiết yếu trong đợt dịch thứ tư:
¶ Bị xử phạt vì chở mèo đang nguy kịch đi khám bệnh (Long An)
Cô gái năn nỉ người trực chốt kiểm soát cho qua để đưa mèo đi khám bệnh. Ảnh chụp từ clip.
Chiều ngày 13/7, ông Nguyễn Anh Đức, làm việc ở Đội Cảnh sát giao thông của Công an TP. Tân An (Long An) đăng lên mạng một đoạn clip về hai thanh niên chở mèo đi khám bệnh và bị lập biên bản do vi phạm Chỉ thị 16. Clip do ông tự quay lại nhằm tuyên truyền, răn đe những người vi phạm Chỉ thị 16.
Trong đoạn clip, cô gái ôm con mèo giải thích rằng mèo của mình bị bệnh rất nặng và cần đi khám. Người trực chốt (cũng là người quay clip) yêu cầu xuất trình giấy tờ, nhưng hai bạn trẻ cho biết do vội quá nên không mang theo. Cô gái liên tục xin thông cảm và bật khóc. Người trực chốt đáp lại lớn tiếng: "khóc vì con mèo luôn hả", "tính mạng con mèo có quan trọng bằng tính mạng của con người ta và cả một cộng đồng không".
Sự việc gây chú ý và làm dấy lên một cuộc tranh luận xung quanh câu hỏi: “Dịch vụ thú y có phải là thiết yếu?”. Cộng đồng mạng phản đối thái độ “vô cảm”, “không có tình yêu thương động vật”, và hành xử cứng nhắc của người trực chốt. Nhiều ý kiến cho rằng không xếp thú y vào danh mục dịch vụ thiết yếu là không hợp lý.
Ngày 14/7, viên cảnh sát gửi tâm thư chia sẻ về vụ việc. Ông cho biết mình và gia đình bị cộng đồng mạng khủng bố tinh thần, kêu gọi “đừng vì một nhu cầu cá nhân mà làm ảnh hưởng đến cộng đồng”.
Theo báo Tuổi Trẻ, ngày 10/7, anh Vũ Minh Nhật đi từ nhà (phường 3, quận Bình Thạnh) đến trụ ATM trên đường Phan Xích Long (phường 7, quận Phú Nhuận) để rút tiền.
Khi còn cách ATM khoảng 10m, anh bị cán bộ chốt kiểm dịch COVID-19 tại giao lộ Phan Xích Long - Hoa Sứ yêu cầu dừng xe. Theo lời kể của Nhật, anh đã giải thích rằng mình đi rút tiền để mua thực phẩm, nhưng vẫn bị lập biên bản phạt 1 triệu đồng vì lỗi ra đường không có lý do chính đáng. Sau đó, anh đi bộ tới ATM rút tiền để đóng phạt rồi đi về mà không nhận được biên lai phạt.
Lý giải vụ việc, chủ tịch UBND phường 7 (quận Phú Nhuận) cho rằng khi làm việc với tổ công tác, anh Nhật không giải thích được lý do ra đường nên bị phạt. Sau đó, khi anh và người thân đăng clip lên mạng thì phường mới biết anh đi mua thực phẩm.
Tuy nhiên, phường vẫn cho rằng việc anh này đi sang địa bàn quận khác để rút tiền và mua đồ ăn là “không chính đáng, thực tế, thiết yếu”, theo công văn 2279 của UBND TP. HCM. Theo họ, anh này hoàn toàn có thể mua thực phẩm ở trong phường của mình, và có thể mua tại các siêu thị cho phép thanh toán thẻ, không cần phải rút tiền.
Về việc không đưa biên lai đóng phạt, đại diện phường nói có hẹn anh Nhật ra lấy, nhưng anh chưa lấy và phường vẫn còn giữ.
Trả lời báo Tuổi Trẻ, luật sư Nguyễn Huy Việt cho rằng phường 7 phạt anh Nhật là không đúng, vì theo công văn 2279, người dân vẫn được ra đường mua lương thực. Việc tổ công tác không xuất biên lai đóng tiền phạt cho người vi phạm là sai.
Vụ việc diễn ra trong những ngày đầu giãn cách và nhận được sự quan tâm thảo luận của cộng đồng. Cùng với vụ việc bị phạt vì mang mèo đi chữa bệnh diễn ra cùng thời điểm, người dân bắt đầu nhận ra nhiều bất cập trong quy định về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khi thực hiện giãn cách xã hội.rẹ
Ngày 19/7, mạng xã hội rúng động vì câu nói “bánh mì không phải là lương thực”.
Anh Trần Văn Em bị thu giữ xe. Ảnh chụp từ clip.
Sự việc xuất phát từ một video được quay trong ngày 18/7, ghi lại việc tổ công tác phường Vĩnh Hòa chặn xe máy của anh Trần Văn Em (công nhân tại một công trường ở phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang, Khánh Hòa).
Trong đoạn video, anh Em giải thích rằng anh đi mua bánh mì, nước uống và trình ra giấy đi lại do nhà thầu anh đang làm ký ngày 16/7. Tuy nhiên, ông phó chủ tịch phường Vĩnh Hòa cho rằng bánh mì không phải là lương thực và thu giữ xe của anh này. Cán bộ này nhiều lần xưng “mày tao” với người dân. Đáng chú ý, ở cuối đoạn clip, ông này đe dọa sẽ khiến anh Em mất việc.
Ông phó chủ tịch phường tự đăng clip lên mạng nhằm mục đích tuyên truyền. Đoạn video nhanh chóng trở thành tâm điểm. Đa số người dân phản đối phát ngôn vô lý và chê trách thái độ hành xử thiếu chuẩn mực khi thực thi công vụ của ông này.
Tối cùng ngày 19/7, Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa ban hành văn bản liệt kê danh sách các nhóm hàng hóa thiết yếu khi thực hiện giãn cách xã hội, trong đó nêu rõ lương thực bao gồm “tinh bột (các sản phẩm từ tinh bột)”.
Cùng thời điểm tối 19/7, báo chí đưa tin nam công nhân trong đoạn clip đã bị cho thôi việc vào sáng ngày 19/7. Anh cho biết mình bị cho nghỉ việc tạm thời với lý do đi ra ngoài có thể làm lây lan dịch bệnh. Thông tin này tiếp tục khiến mạng xã hội dậy sóng vì nó trùng khớp lời đe dọa của phó chủ tịch phường trong đoạn clip.
Tối 19/7, lãnh đạo Khánh Hòa cho biết đã kiểm điểm phó chủ tịch phường và không cho ông này phụ trách tổ kiểm soát dịch (không được ra đường kiểm tra nữa).
Sáng 20/7, Chủ tịch UBND TP. Nha Trang gửi thư xin lỗi công dân Trần Văn Em. Trong thư, chủ tịch thành phố nhận khuyết điểm trong công tác thực hiện Chỉ thị 16 và mong sự thông cảm của người dân.
¶ Bị xử phạt khi đi nhận thùng rau gia đình gửi (TP. HCM)
Ngày 21/7, trên mạng xã hội, một thanh niên tên P. (ngụ huyện Hóc Môn) nêu bức xúc vì bị cảnh sát lập biên bản xử phạt lỗi ra đường trong trường hợp không cần thiết trong lúc đi nhận thùng thực phẩm do người nhà ở quê gửi lên. Khi bị kiểm tra, P. có đưa ra tin nhắn thông báo đến nhận hàng từ nhà xe nhưng anh vẫn bị xử phạt.
Cùng ngày, Đội CSGT Bàn Cờ (Phòng CSGT đường bộ - đường sắt TP. HCM - PC08) đã mời anh P. mang theo toàn bộ giấy tờ có liên quan, lên trụ sở đơn vị để làm việc.
Lãnh đạo phòng PC08 giải thích, vì đang thực hiện nguyên tắc “phường cách ly với phường, quận cách ly với quận”, “người dân đi ra khỏi địa bàn, dù là nhận thực phẩm, mua thức ăn là không nên". Vị này nói rằng người dân nên có sự chia sẻ, hiểu rõ quy định để cùng vượt qua khó khăn.
Sự việc nhanh chóng chìm xuống. Tại thời điểm anh P. bị phạt, báo chí phản ánh tình trạng chợ đóng, siêu thị quá tải tại TP. HCM, người dân gặp nhiều khó khăn khi mua hàng hóa.
¶ Chở tủ lạnh đi giao, nhân viên cửa hàng điện máy bị phạt 2 triệu (TPHCM)
Sáng 25/7, anh N. (huyện Nhà Bè, TP. HCM), nhân viên một cửa hàng điện máy đang chạy xe máy chở tủ lạnh đi giao cho khách trên đường Lê Lợi (quận 1) thì bị Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Quận 1 kiểm tra.
Đội cảnh sát giao thông lập biên bản xử phạt 2 triệu đồng với nhân viên cửa hàng điện máy, với lời giải thích “tủ lạnh không phải mặt hàng thiết yếu, có thể 3 đến 4 tháng sau anh đi giao vẫn bình thường”.
Phản ứng với vụ việc, nhiều ý kiến trên Facebook cho rằng tủ lạnh bị xếp vào hàng hóa không thiết yếu là vô lý, vì nhu cầu có tủ lạnh để trữ đồ là hiển nhiên khi phải ở yên trong nhà. Vào thời điểm này, lệnh giãn cách đã kéo dài hơn 2 tuần và vừa được gia hạn.
Cơ quan chức năng không phản hồi vụ việc.
¶ Xe chở băng vệ sinh, tã bỉm không được lưu thông (TP. HCM)
Ngày 28/7, công ty cổ phần Diana Unicharm phản ánh các nhà phân phối, nhân viên bán hàng của doanh nghiệp này bị lực lượng chức năng chặn lại khi vận chuyển mặt hàng băng vệ sinh, tã, bỉm đến các điểm bán lẻ. Nguyên nhân là do băng vệ sinh, tã, bỉm không thuộc nhóm mặt hàng thiết yếu trong dịch tại TP. HCM nên không được vận chuyển, lưu thông.
Tại thời điểm đó, trên cả nước, chỉ có Đồng Nai đưa băng vệ sinh, tã, bỉm vào danh sách các mặt hàng thiết yếu trong văn bản chính thức.
Dư luận chỉ trích sự cứng nhắc, vô lý của chính quyền trong các quy định liên quan đến hàng thiết yếu. Chuyên gia cho rằng nếu việc này không được giải quyết, có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt mặt hàng này, để lại hệ lụy lâu dài với sức khỏe phụ nữ, trẻ em gái nói riêng và người dân nói chung.
Chúng tôi không ghi nhận được thêm bất kỳ động thái phản hồi nào của cơ quan chức năng sau đó.
¶ Không mua được sách giáo khoa vì không phải hàng thiết yếu (Hà Nội, TP. HCM)
Ngày 14/8, báo Tuổi Trẻ đưa tin nhiều phụ huynh ở các địa phương đang giãn cách phản ánh họ không mua được sách giáo khoa cho con, dù sắp vào năm học mới. Sách giáo khoa không nằm trong danh mục hàng hóa thiết yếu nên gặp khó khăn trong lưu thông, vận chuyển.
Ngày 18/8, Cục Xuất bản, in và phát hành đề nghị đưa sách giáo khoa vào nhóm hàng thiết yếu. Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương tạo điều kiện để sách được giao đến nhà trường, học sinh trước năm học mới.
Đến ngày 29/8, chính quyền TP. HCM mới thống nhất xem sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu.
Tới ngày 16/9, sau một tháng siết chặt giãn cách, TP. HCM cho phép các công ty cung cấp thiết bị, dụng cụ học tập mở cửa trở lại.
¶ 2. Người dân biểu tình vì không được nhận cứu trợ
An sinh xã hội là một trong những trụ cột quan trọng nhất trong chính sách chống dịch, đồng thời cũng là điều gây nhiều bức xúc trong thời gian vừa qua, đặc biệt là ở các địa phương bị áp đặt lệnh giãn cách kéo dài như TP. HCM.
Người dân nhiều nơi đã rủ nhau xuống đường, kéo lên các trụ sở phường để chất vấn lãnh đạo về vấn đề này. Dưới đây là những trường hợp mà chúng tôi thu thập được bằng chứng.
Lưu ý về bản quyền và độ xác thực: Các video ghi lại vụ việc đều là do người dân quay lại và được đăng tải trên mạng xã hội, trong đó có 6/11 vụ việc được báo chí xác minh. Chúng tôi chưa có điều kiện kiểm chứng các vụ việc một cách độc lập, nhưng chỉ chọn các vụ đã được xác minh, hoặc có clip ghi lại phần người dân trình bày hoàn cảnh của mình. Luật Khoa tải các clip này về kho lưu trữ riêng để tránh dữ liệu bị xóa.
Theo người dân trong clip kể lại, hầu hết người đang ở trọ, bị mất việc tại đây không có trong danh sách nhận tiền, trong khi trưởng ấp nói chỉ có 9 người được cứu trợ.
Người dân trực tiếp chất vấn bà tổ trưởng về lý do có những người trong khu phố đã nhận trợ cấp đến hai lần, còn nhiều người khác chưa nhận lần nào.
Một người phụ nữ nói dù cùng làm nghề xe ôm truyền thống, có người đã nhận hai lần, người khác lại chưa nhận. Người này còn nói rằng chị đã nộp 100.000 đồng cho cán bộ và gọi đây là “tiền cà phê" nhưng cán bộ không làm thủ tục cho chị, còn có người nộp 200.000 đồng thì đã được nhận tiền. (Nguồn video: RFA)
Ngày 14/8, người dân kéo đến văn phòng khu phố 11, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP. HCM bày tỏ bức xúc và yêu cầu làm rõ về tiền trợ cấp. Người dân nói rằng có người đã nhận ba lần, có người lại chưa nhận.
Ông bí thư chi bộ khu phố trấn an người dân và cho rằng người dân bức xúc là hoàn toàn đúng, nhưng phường chỉ làm theo mệnh lệnh cấp trên.
Khi bị hỏi dồn: “Biết là dân bức xúc tại sao không giải quyết?", ông bí thư chi bộ không thể trả lời và quyết định đóng cửa không tiếp dân. (Nguồn video: RFA)
Trước đó, họ đã nhiều lần đi về giữa trụ sở ấp và trụ sở xã để hỏi tiền cứu trợ. Công an khu vực nói người dân phải hỏi tổ trưởng về việc này, nhưng đến khi hỏi tổ trưởng thì người này lại nói phải hỏi cấp trên. (Nguồn video: RFA)
Ngày 24/8, khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đi thị sát Bình Dương, nhiều người dân ở khu dân cư Thuận Giao, TP. Thuận An treo bảng “cần hỗ trợ” trước nhà để yêu cầu trợ giúp khẩn cấp lương thực. Khi được hỏi, họ cho biết bốn ngày rồi không đi chợ được, gọi tổng đài 1022 thì không ai bắt máy. Ông bí thư tỉnh ủy Bình Dương đi cùng đoàn hứa rằng sẽ bổ sung thêm 100 nhân sự trực tổng đài.
Theo Tuổi Trẻ, ngay sau chuyến thăm, việc hỗ trợ người dân khu vực này đã được đẩy nhanh hơn. Ông Vũ Đức Đam đề nghị lãnh đạo tỉnh Bình Dương lưu ý hỗ trợ các trường hợp treo biển yêu cầu hỗ trợ, dù ông cho đây chỉ là trường hợp cá biệt.
Ngày 27/8, người dân phường 10, quận 8, TP. HCM tràn xuống đường thể hiện sự bức xúc vì không nhận được hỗ trợ. Theo người quay clip, một điểm sinh hoạt của khu phố 3 thường xuyên chứa rất nhiều lương thực, thực phẩm nhưng người dân trong khu phố không được nhận. Người quay clip cũng cho biết người dân khu phố này không thể mua thực phẩm qua hình thức “đi chợ hộ".
Sau khi clip đăng tải một ngày, trang tin của Đảng bộ TP. HCM lên tiếng bác bỏ những cáo buộc của người dân. Lãnh đạo phường 10 giải thích rằng điểm sinh hoạt trong clip là nơi được trưng dụng để tập kết lương thực phát cho người dân theo thứ tự.
Họ cho biết đã xuống tận nơi để giải thích và động viên người dân không tụ tập, đồng thời “đang tiếp cận những người dân có liên quan và người quay clip phát tán lên mạng để xử lý theo quy định của pháp luật”.
Người dân phường Phú Hữu xuống đường đòi cứu trợ. Ảnh chụp từ clip.
Cũng trong ngày 27/8, người dân phường Phú Hữu, TP. Thủ Đức đổ ra đường vì không nhận được tiền cứu trợ. Đoạn clip ghi lại hình ảnh này lan truyền mạnh trên mạng xã hội.
Ngày 8/9, báo chí phản ánh 140 hộ dân phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP. HCM được hỗ trợ gạo nhưng phải ký nhận 1,5 triệu đồng. Lãnh đạo địa phương cho rằng việc này là “do lỗi kỹ thuật”.
Ngày 11/9, một nhóm người dân quận Bình Tân đến cơ quan công quyền đòi tiền cứu trợ. Khi người dân và lãnh đạo quận đối thoại, cổng cơ quan nhà nước đóng chặt.
Người dân đứng ngoài cổng cơ quan, còn lãnh đạo đứng bên trong, xung quanh rất nhiều công an đứng vây quanh.
Người dân cho biết họ đã đợi gần hai tiếng đồng hồ ở đây để chờ lời giải thích của lãnh đạo về tiền cứu trợ. Họ cho rằng lời giải thích của lãnh đạo không thỏa đáng.
Theo xác minh của Zing, sự việc xảy ra ở phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP. HCM vào chiều ngày 14/8. Ủy ban Nhân dân phường Tân Quý đã xác nhận vụ việc.
Theo báo cáo, ông L. (tổ trưởng tổ dân phố) và ông M. (75 tuổi, người bị đánh) có mâu thuẫn về tiền trợ cấp. Chiều 14/8, ông L. “cầm theo viên gạch đi ngang qua nhà ông M.. Bị ông M. lao ra đánh, ông L. đã đánh trả”.
Báo Thanh Niên đưa tin thêm rằng trong khi đánh nhau qua lại, “viên gạch trên tay ông L. cầm có trúng vào đầu ông M., gây chảy máu vùng đầu.” Ông L. thì không bị thương tích gì.
Ngày 18/9, người dân ở phường 2, quận 8, TP. HCM, bức xúc phản ánh những bất cập trong việc chi tiền trợ cấp khiến họ “đi tới đi lui và về tay không”.
Theo xác minh của báo Thanh Niên, có trường hợp người dân có tên trong danh sách nhận tiền đến hai lần nhưng sau một tháng vẫn không được nhận trợ cấp. Ở một trường hợp khác, người cha đăng ký nhận hỗ trợ cho cả 6 người trong gia đình thuộc diện lao động tự do bị mất việc từ đầu tháng 7, đến giữa tháng 8, ông qua đời vì COVID-19, tiền trợ cấp vẫn chưa thấy. Đến ngày 8/9, tổ trưởng tổ dân phố mới đến thông báo rằng người đã chết có tên trong danh sách nhận tiền cùng 4 người khác, nhưng rốt cuộc cán bộ phường lại chỉ duyệt cho 1 người được lãnh tiền.
Ngoài những vụ việc cụ thể kể trên, các trang đăng thông tin người dân cầu cứu giúp đỡ như SOS map và Zalo Connect cũng có hàng chục nghìn lời khẩn cầu vì không nhận được hỗ trợ từ chính quyền, hoặc hỗ trợ không đủ.
Trong các chương trình livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời” phát sóng thường xuyên từ ngày 24/8, người dân liên tục thắc mắc về tiền cứu trợ và yêu cầu thành phố trợ giúp. Theo thống kê của ban tổ chức, đến ngày 28/8, hơn 1 triệu người đã đăng ký nhận “túi an sinh” qua mạng.
Đại diện chính quyền nói rằng “đây là con số lớn kỷ lục”, thể hiện sự quan tâm lớn của người dân dành cho chương trình livestream. Họ không thừa nhận rằng con số này cho thấy năng lực thực thi chính sách hỗ trợ người dân là có vấn đề.
Trong chương trình livestream ngày 10/9, chủ tịch UBND quận Gò Vấp nói quận này đã hoàn thành 100% gói cứu trợ đợt 1 và 98% gói cứu trợ đợt 2 cho những hộ khó khăn. Trên mạng, một loạt người dân phản ứng gay gắt với phát ngôn này. Họ cho rằng lãnh đạo đưa thông tin không đúng, vì bản thân họ cũng thuộc diện khó khăn trong quận nhưng chưa nhận trợ cấp.
Với danh nghĩa chống dịch, nhiều cán bộ đã có những hành xử gây bức xúc.
¶ Công an xông vào gia đình người bán rau, kéo lê người dân về phường (TP. HCM)
Ngày 13/7, tại phường Tam Bình, TP. Thủ Đức, các camera quay lại cảnh một nhóm công an và dân phòng có trang bị dùi cui ập vào một gia đình đang bán rau trước cửa nhà. Họ tịch thu toàn bộ số thực phẩm, đi thẳng vào trong xô đẩy, sau đó kéo lê người trong nhà lên xe. Một người trong nhà phản ứng lại thì bị xịt cồn thẳng vào mặt. Đoạn clip được chia sẻ trên trang Facebook của Phạm Minh Vũ, ngay lập tức lan truyền rộng rãi và gây bức xúc trong dư luận.
Theo thông tin trên Facebook của Phạm Minh Vũ, gia đình này vốn bán bánh bao nhưng tạm nghỉ theo Chỉ thị 16. Thấy hàng xóm khó mua rau mà gia đình lại có nguồn rau rẻ nên họ nhập về bán tại nhà. Thời điểm này, báo chí liên tục phản ánh tình trạng các siêu thị quá tải, giá cả đắt đỏ nên nhiều người dân không thể mua thực phẩm.
Ngày 14/7, báo Công an Nhân dân đăng bài bênh vực lực lượng công quyền, cho rằng những thông tin và hình ảnh trong clip là “xuyên tạc”, “cắt ghép sai sự thật”.
¶ Chính quyền quận giao chỉ tiêu phạt người dân (TP. HCM)
Ngày 13/7, mạng xã hội lan truyền một công văn được cho là của UBND phường 6, quận Gò Vấp, TP. HCM, về phân công nhiệm vụ phòng, chống dịch.Theo đó, trong hai ca trực sáng và chiều, lực lượng chống dịch tổ chức một chốt xử phạt trước cổng UBND phường, với chỉ tiêu "mỗi ca phải phạt 20 trường hợp". Văn bản gây bức xúc cho người dân, dấy lên lo ngại về tình trạng cán bộ cố tình bắt lỗi để đủ chỉ tiêu.
Trả lời báo Tuổi Trẻ, chủ tịch quận Gò Vấp không phủ nhận văn bản. Ông này nói đã yêu cầu phường chấn chỉnh và giải thích rằng quận chỉ “yêu cầu phường tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm tra và xử phạt người vi phạm theo quy định, không được áp đặt chỉ tiêu”.
¶ Công an nổ súng ngăn công nhân ra ngoài (Bình Dương)
Ngày 29/7, RFA đăng tải một clip ghi lại hình ảnh công an nổ hai phát súng chỉ thiên trước cổng một nhà máy tại khu công nghiệp Tân Bình, Bắc Tân Uyên, Bình Dương. Mục đích của việc nổ súng này là để ngăn các công nhân rời khỏi khu công nghiệp.
Theo RFA, sau một thời gian thực hiện chính sách “3 tại chỗ” (tức ăn - ngủ - làm việc tại công ty), các công nhân muốn ngừng lại vì trong công ty xuất hiện nhiều ca dương tính.
¶ Quan chức chơi golf giữa lệnh giãn cách (Bình Định)
Ngày 4/8, báo chí đưa tin trong lúc truy vết F0, UBND tỉnh Bình Định phát hiện hai quan chức đi chơi golf trong giai đoạn tỉnh này đang giãn cách theo Chỉ thị 15. Hai người này là giám đốc Sở Du lịch tỉnh và phó cục trưởng Cục Thuế.
Cùng ngày, hai người này bị đình chỉ công tác. Quan chức Cục Thuế giải trình rằng mình đi đánh golf theo giấy mời khảo sát thực địa của Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Bình Định, do giám đốc trung tâm ký và đóng dấu. Ngày 24/8, giám đốc trung tâm này cũng bị đình chỉ công tác.
Ngày 1/9, lãnh đạo tỉnh Bình Định quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, miễn nhiệm với ông giám đốc Sở Du lịch. Ngày 21/9, cục phó Cục Thuế cũng bị miễn nhiệm.
Ngày 10/8, tổ tuần tra xử lý vi phạm phòng chống dịch COVID-19 của xã Bình Kiến, TP. Tuy Hòa, Phú Yên phát hiện một xe hơi đỗ dưới lòng đường. Chủ xe hơi nói là đang "đi xem đất", bị lực lượng chức năng phạt 2 triệu đồng vì vi phạm quy định giãn cách. Theo thông tin ban đầu, phụ nữ đi cùng khi được hỏi đã khai tên tuổi giả.
Hai người vi phạm là Trưởng ban kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Phú Yên và phó chánh văn phòng Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Phú Yên. Ngày 10/9, hai người này nhận mức kỷ luật cảnh cáo.
¶ Phá cửa bắt người dân đi cách ly, khởi tố người dân vì phản đối (Nghệ An)
Lực lượng chức năng phá cửa nhà người phụ nữ bị cho là F1. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Ngày 23/8, tại xã Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, lực lượng chống dịch đến nhà một phụ nữ thuộc diện F1 để đưa bà đi cách ly tập trung. Xin cách ly tại nhà không được, người phụ nữ khóa trái cửa, thoát y để phản đối. Lực lượng chức năng phá cửa xông vào nhà tiến hành cưỡng chế.
Bà giải thích lý do là “gia đình mới xây nhà, cần ở lại để canh, và xin được cách ly tại nhà”.
Giải thích cho hành vi cưỡng chế, chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Diễn Châu đưa ra các lý do: (1) nhà của người phụ nữ này cơ bản đã xây xong, (2) cần đưa đi cách ly tập trung vì thời điểm đó Nghệ An chưa cho phép cách ly F1 tại nhà và (3) lực lượng đã thuyết phục suốt 3 giờ đồng hồ nhưng người này vẫn chống đối.
Ngày 30/8, người phụ nữ bị khởi tố để điều tra tội chống người thi hành công vụ.
¶ Lãnh đạo ưu tiên tiêm vaccine cho người thân (Bình Định, Cần Thơ)
Ngày 26/8, báo Tuổi Trẻ đăng thông tin người dân xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, phát hiện và tố cáo chủ tịch xã này đã tiêm vắc xin cho người thân không thuộc đối tượng ưu tiên tiêm. Chính quyền xã thừa nhận điều này và cho rằng đây là “vaccine dư” sau khi tiêm cho người già. Ngày 10/9, chủ tịch xã bị khiển trách.
Ngày 6/9, một cô gái ở quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ, đăng hình chứng nhận đã tiêm hai mũi Pfizer lên mạng xã hội và cho biết mình được tiêm nhờ “xin ông anh” làm ở phường. Chính quyền quận Ninh Kiều giải thích rằng cô này được tiêm vì là “em bạn dì ở gần nhà” một cán bộ phường. Ông này có tham gia chống dịch nên người thân cũng được tiêm vaccine. Dư luận không đồng ý với cách giải thích trên vì cô này không có tiếp xúc trực tiếp với “ông anh” nên không thể được tiêm. Ngày 11/9, cán bộ phường bị đình chỉ công tác.
¶ Khóa cổng 278 hộ dân thuộc diện F2 để cách ly (Thanh Hóa)
Ngày 28/8, sau khi xác định 278 hộ dân ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa thuộc diện F2, chính quyền xã đã khóa cổng những gia đình này, giao chìa khóa cho chủ tịch xã quản lý. Theo chủ tịch xã, "việc khóa cổng nhằm phòng chống COVID-19 đạt hiệu quả tốt nhất”. Chính quyền nói rằng việc làm này là cần thiết và "được đồng thuận, hưởng ứng" của các hộ và người dân địa phương.
Trả lời báo Lao Động, ông Lê Xuân Thu - Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Hoằng Hóa nói rằng cách làm này mới, nên khó tránh ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, ông giải thích “tất cả vì nhiệm vụ phòng, chống dịch, vì sức khỏe nhân dân và chúng tôi đang lo cho dân”.
Đến ngày 3/9, chính quyền dừng việc khóa trái cổng các hộ dân.
¶ Khiêng người dân từ chối xét nghiệm COVID-19 lên xe (Cà Mau)
Ngày 3/9, RFA đăng tải một video clip ghi lại hình ảnh một người đàn ông ở Cà Mau từ chối xét nghiệm COVID-19 nên bị công an và nhân viên y tế khiêng lên xe. Người này hét lên chống trả: “Tôi cướp của, giết người hay gì?”
Trong phần bình luận trên kênh Youtube của RFA, nhiều người dân không đồng ý với hành vi cưỡng chế của lực lượng y tế. Họ cho rằng người dân có cơ sở để từ chối xét nghiệm do lo ngại việc xét nghiệm tập trung không đảm bảo vệ sinh.
Ngày 4/9, trên mạng xã hội đăng tải đoạn clip về một người được cho là trưởng công an xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP. HCM, quát nạt hai nhóm từ thiện khác nhau trong hai ngày.
Đoạn clip cho thấy ông trưởng công an liên tục quát tháo, đòi dừng hoạt động phát quà vì cho rằng các nhóm thiện nguyện hoạt động mà chưa xin phép địa phương và yêu cầu nhóm thiện nguyện không quay phim. Các nhóm thiện nguyện nỗ lực đối thoại nhưng công an luôn gạt đi. Thậm chí, ông này còn nói với người dân “không có ý thức thì thôi khỏi ăn”.
¶ Phá khóa, xông vào nhà cưỡng chế người dân đi xét nghiệm (Bình Dương)
Ngày 28/9, trên mạng xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một nhóm người trong đó có người mặc quân phục đang phá khóa cửa một căn hộ chung cư. Sau đó, họ ập vào nhà, lôi người phụ nữ ra ngoài trong khi đứa con trai khóc thét vì sợ. Người phụ nữ bị đưa xuống sân chung cư, khóa tay để lấy mẫu xét nghiệm.
Vụ việc được báo chí xác minh là xảy ra tại chung cư E-home Bắc Sài Gòn, phường Vĩnh Phú, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương vào ngày 28/9. Clip do một người trong đoàn cưỡng chế quay lại và đăng lên mạng. Bí thư phường giải thích rằng người này nhiều lần không xuống xét nghiệm, nên buộc phải cưỡng chế. Người phụ nữ bị lập biên bản hành chính về việc vi phạm quy định phòng chống dịch.
Sau khi bị báo chí, giới luật sư và dư luận lên án dữ dội về hành vi vi phạm nhân quyền, bí thư phường đã xin lỗi nhưng không được nạn nhân chấp thuận. Ngày 30/9, ông bị Đảng ủy thành phố Thuận An phê bình.
Ngày 4/10, nạn nhân của vụ cưỡng chế bị xử phạt hành chính 2 triệu đồng vì "không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm" quy định tại điểm a, khoản 2, điều 7 nghị định 117/2020. Bà cho biết sẽ khởi kiện quyết định này.
¶ Tiêu hủy bầy chó của gia đình chạy dịch về quê (Cà Mau)
Đàn chó của ông Phạm Minh Hùng trên đường về Cà Mau hôm 8/10. Ảnh: VnExpress.
Ngày 7/10, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh hai vợ chồng chở theo một đàn chó trên xe máy về quê.
Theo xác minh của báo chí, đó là gia đình ông Phạm Minh Hùng (49 tuổi), làm nghề thợ hồ ở Long An nhưng đã mất việc bốn tháng do dịch bệnh. Không cầm cự được nữa, gia đình ông quyết định chạy xe máy về quê của người em ở Cà Mau để tránh dịch, mang theo đàn chó 15 con, gồm 4 con lớn và 11 con nhỏ. Người em đi cùng thì mang theo 3 con chó và 1 con mèo.
Khi về đến Cà Mau vào ngày 8/10, gia đình ông được đưa vào khu cách ly tập trung, sau đó được chuyển vào bệnh viện điều trị do có kết quả xét nghiệm dương tính. Đàn chó, mèo cũng được xét nghiệm, kết quả cho thấy có một con dương tính với “virus gì đó”, theo lời của chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời.
Ngày 10/10, chính quyền địa phương xác nhận đã tiêu hủy toàn bộ số chó mèo này do lo ngại lây nhiễm. Chính quyền giải thích họ phải làm vậy là do chủ nuôi không đảm bảo vệ sinh trong khu cách ly, và do “áp lực về công tác phòng chống dịch và từ bà con nhân dân”. Theo họ, chủ đàn chó “không có ý kiến gì.”
Quyết định tiêu hủy đàn chó mèo khiến cho cộng đồng mạng phẫn nộ. Lý do lớn nhất là về mặt khoa học, không có bằng chứng cho thấy chó mèo có thể truyền virus gây COVID-19 sang người. Về mặt pháp lý, không có căn cứ để thực hiện tiêu hủy. Về mặt nhân đạo, đó là đàn chó mà ông Hùng nói rằng ông “thương như con”.
Chính quyền địa phương thừa nhận rằng những người thực thi nhiệm vụ “có hơi nóng vội,” và hứa sẽ chấn chỉnh.
Vụ việc được truyền thông quốc tế chú ý, trong đó có SCMP (Hong Kong).
Trong thời gian bùng phát dịch, cơ quan điều tra đã khởi tố hàng loạt vụ án liên quan đến việc làm lây lan dịch bệnh. Nhiều vụ việc đã được điều tra, truy tố và xét xử trong thời gian “siêu tốc”, có vụ chỉ mất 5 ngày đã được đưa ra tòa xét xử. Việc xét xử cũng diễn ra theo thủ tục rút gọn.
Việc hình sự hóa tội làm lây lan dịch bệnh là một xu hướng bị phản đối trên thế giới. Ở Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh lây lan phức tạp, các quy định mơ hồ và liên tục thay đổi, người dân thiếu thông tin, lực lượng chức năng đã ra nhiều quyết định khởi tố gây tranh cãi. Trong đó, có trường hợp người dân đã bị kết án tù.
Sau đây là những vụ việc đáng chú ý.
¶ Ba vụ án liên quan đến tiểu thương đi chợ Bình Điền
Ngày 15/7, Công an TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, khởi tố vụ án hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm liên quan đến hai trường hợp F0 đầu tiên tại thành phố. Trong đó, một người làm nghề kinh doanh hải sản tại chợ Đồng Xoài, trực tiếp đi lấy hàng từ chợ đầu mối Bình Điền, TP. HCM về bán lại cho các tiểu thương tại địa phương. Người thứ hai có yếu tố dịch tễ liên quan đến chợ đầu mối Thủ Đức.
Công an quyết định khởi tố vụ án vì cho rằng cả hai trường hợp trên khai báo y tế không đầy đủ, dẫn đến việc các cơ quan chức năng không kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống khiến dịch bệnh lây lan phức tạp.
Người phụ nữ bán rau nghe quyết định khởi tố. Ảnh: Báo Hậu Giang
Cùng ngày 15/7, Công an huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh cũng khởi tố vụ án tương tự liên quan đến một tiểu thương ở Trà Vinh. Theo công an, người này cùng chồng đi lấy hải sản ở chợ Bình Điền, nhưng khi trở về Trà Vinh thì không khai báo y tế. Sau đó, cô được phát hiện dương tính. Khi truy vết tiếp xúc thì có 34 trường hợp F1, trong đó có 2 người dương tính.
Ngày 30/7, Công an thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang khởi tố bị can đối với một người phụ nữ 34 tuổi về tội làm lây lan dịch bệnh. Người này đang mang thai.
Theo công an, người này bán rau tại chợ Bình Điền, TP. HCM. Ngày 5/7, cô quay về Hậu Giang. Cô đã khai báo y tế hai lần, được yêu cầu cách ly tại nhà. Ngày 9/7, khi quay lại trạm y tế để xét nghiệm nhanh, cô được phát hiện dương tính với COVID-19. Công an cho rằng cô không tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch, làm lây bệnh cho 14 người.
Ngày 25/8, Công an Bạc Liêu khởi tố vụ án hình sự liên quan đến công ty F88 vì “vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người”.
Theo công an, lĩnh vực cầm đồ không thuộc nhóm hoạt động “cần thiết, thiết yếu” nên không được phép hoạt động trong thời gian Bạc Liêu thực hiện Chỉ thị 16.
Vụ án thứ nhất: Một nhân viên tại chi nhánh của Viettel Post đến kho hàng TP. Hà Nội để lấy hàng. Khi trở về Bắc Ninh, anh này không áp dụng các biện pháp cách ly mà vẫn tiếp tục đi giao hàng.
Vụ án thứ hai: Hai vợ chồng đến nơi có ca F0 nhưng không khai báo y tế. Sau đó, hai vợ chồng nhiễm bệnh và lây bệnh cho hai người khác.
Vụ án thứ ba: Một tài xế ô tô lái xe đón khách từ TP. HCM đi qua nhiều tỉnh. Anh này bị nhiễm bệnh và bị khởi tố vì làm lây lan dịch bệnh.
¶ Đồng Tháp: Vụ án làm lây lan dịch bệnh khi tổ chức an táng người thân
Ngày 28/8, công an TP. Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, thông báo việc khởi tố vụ án hình sự làm lây lan dịch bệnh khi tổ chức an táng người thân.
Theo đó, đầu tháng Tám, gia đình M. có người thân mắc bệnh tim mạch phải chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM) để điều trị, nhưng người thân không qua khỏi, đã tử vong. M. là người đi theo chăm sóc.
Ngày 5/8, M. liên hệ với trạm y tế xã, nêu nguyện vọng đưa người thân về quê an táng. M. đã xuất trình các giấy xét nghiệm âm tính và được hướng dẫn tổ chức an táng theo quy định.
Sau đó, trạm y tế xã đến nhà phun xịt khử khuẩn, trao quyết định cách ly tại nhà cho M.. Khi lấy mẫu xét nghiệm, tất cả những người trong nhà M. và các hộ liền kề đều cho kết quả âm tính.
Ngày 6-7/8, M. tổ chức an táng người thân tại phần đất cách nhà 3 km. Trong thời gian đó, M. có mời cơm một số người thân và hàng xóm phụ giúp.
Ngày 14/8, ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm tầm soát lần hai cho người dân ở ấp Bình Thành A và Bình Thành B thì phát hiện hàng loạt ca dương tính. Đến ngày 25/8, M. cũng có kết quả dương tính. Cơ quan chức năng truy vết 88 F1, 169 F2.
Trong khi người dân bị khởi tố vì tổ chức đám tang, vào ngày 15/9, giữa lúc Hà Nội giãn cách theo Chỉ thị 16, đám tang của Đại tướng Phùng Quang Thanh vẫn diễn ra với đầy đủ nghi thức. Nhiều hình ảnh thể hiện các quan chức lãnh đạo tham gia đưa tiễn không tuân thủ quy định giãn cách.
¶ Nghệ An: Khởi tố người phụ nữ từ chối đi cách ly
Ngày 29/8, Công an huyện Diễn Châu (Nghệ An) khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với một người phụ nữ để làm rõ hành vi chống người thi hành công vụ.
Trước đó, vào tối 23/8, lực lượng chống dịch đã xông vào nhà, phá cửa bắt người phụ nữ này đi cách ly vì thuộc diện F1. Người này tự lột quần áo để phản đối.
Lo ngại nhà trọ khu mình ở có người nghi nhiễm COVID-19, khoảng 2 giờ sáng ngày 22/8, ông G. (47 tuổi) chạy xe máy về Vũng Tàu trốn dịch. Ông treo hai ổ bánh mì trên xe để “ngụy trang”.
Ông G. đến nhà người quen xin ở nhờ. Khi biết chuyện, tổ trưởng tổ dân phố đến yêu cầu ông đi khai báo y tế. Ông đi khai báo ngay trưa ngày hôm đó, sau đó về nhà tự cách ly. Sau đó một ngày (23/8), khi thấy có dấu hiệu sốt, ông tự xét nghiệm nhanh. Thấy kết quả dương tính, ông báo trạm y tế phường để được đưa đi cách ly tập trung.
Ngày 26/8, kết quả xét nghiệm PCR của ông G. cho kết quả dương tính. Ngày 28/8, người quen của ông cũng có kết quả xét nghiệm dương tính.
Ngày 3/9, Công an TP. Vũng Tàu đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra tội làm lây lan dịch bệnh. Đến ngày 27/9, ông G. bị khởi tố bị can và bắt tạm giam.
Bị cáo Lê Văn Trí bị phạt 5 năm tù vì tội làm lây lan dịch bệnh. Ảnh: Tuổi Trẻ.
¶ Cà Mau: Lãnh án 5 năm tù vì làm lây lan dịch bệnh COVID-19
Ngày 6/9, Tòa án nhân dân TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau, tuyên phạt anh Lê Văn Trí mức án 5 năm tù giam vì tội làm lây lan dịch bệnh. Theo đó, khi bị thất nghiệp do dịch bệnh ở TP. HCM, anh Trí trở về Cà Mau. Sau khi đã khai báo y tế với địa phương, anh được yêu cầu cách ly tại nhà.
Tòa án kết luận rằng anh không thực hiện cách ly tại nhà theo quy định, làm lây lan dịch bệnh cho nhiều người, trong đó có một người tử vong.
¶ Phú Yên: Khởi tố vụ án liên quan đến tài xế xe cứu thương không phép
Ngày 7/9, lãnh đạo Công an TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, khởi tố vụ án "làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người". Người bị điều tra là một tài xế.
Theo đó, tài xế này lái xe giống kiểu dáng xe cứu thương nhưng chưa có giấy phép hoạt động xe cứu thương, chở người bệnh từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên đến nhiều bệnh viện ở TP. HCM. Sau đó, tài xế dương tính với SARS-CoV-2 và lây cho 4 người thân.
Công an TP. Tuy Hòa cho rằng trong thời gian đi từ vùng dịch TP. HCM về Phú Yên, người này không khai báo y tế theo quy định và tiếp xúc gần với nhiều người, có dấu hiệu làm lây lan dịch bệnh.
¶ Cà Mau: Bác sĩ bị khởi tố vì “làm lây lan dịch bệnh”
Ngày 7/9, công an huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, khởi tố một bác sĩ về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo đó, ngày 16 và 17/8, khi khám bệnh cho bé trai 11 tuổi có biểu hiện nôn ói, bác sĩ đã không sàng lọc, điều tra yếu tố dịch tễ về COVID-19. Đến khi được phát hiện là F0 thì bé trai đã lây bệnh cho nhiều người.
Vụ việc bị khởi tố để điều tra vào cuối tháng Tám. Bác sĩ này là thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã.
Ngày 10/9, Công an thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh liên quan đến một người kinh doanh rau tại chợ đầu mối Hòa Cường, Đà Nẵng.
Theo thông tin từ công an, ngày 10/8, người này đi từ vùng dịch Đà Nẵng về nhà ở Quảng Nam nhưng không khai báo y tế theo quy định. Khi cơ quan chức năng kêu gọi xét nghiệm, bà không tham gia.
Nghe tin người bán rau cạnh mình ở chợ đã nhiễm COVID-19, bà đến bệnh viện để xét nghiệm nhanh, cho kết quả âm tính. Bà tiếp tục bán rau. Đến ngày 17/9, bà và con gái được xác định dương tính với COVID-19, liên quan đến 15 F1.
Theo VnExpress, có ít nhất hai vụ án khác đã bị khởi tố liên quan đến tội làm lây lan dịch bệnh trong tháng 8/2021.
Trong suốt đợt dịch thứ tư, nhiều bài viết trên các tờ báo quốc doanh đứng hẳn về lập trường của chính quyền để kết tội, đổ lỗi cho người dân.
Điểm lại một số vụ việc đáng chú ý:
¶ VTV ví von người dân vi phạm quy định giãn cách là “não thú”
Ngày 31/7, trong một phóng sự với chủ đề "Nỗi sợ mùa Covid-19: Từ những ‘vận động viên’ đến virus tin giả” phát sóng trên VTV1, BTV Sơn Lâm ví não của những người vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19 với "não bò sát", "não thú". Cụ thể, khi nhắc đến những người dân ở Hà Nội vẫn ra ngoài tập thể dục dù việc này bị cấm theo Chỉ thị 16, chương trình này lý giải rằng không phải do họ không sợ dịch bệnh. Những người làm chương trình giải thích rằng người dân không tư duy bằng phần não người mà đã bị phần não thú, não bò sát kiểm soát.
Đoạn clip làm nổ ra tranh cãi lớn. Nhiều Facebooker đồng loạt chỉ ra rằng giả thuyết về của Paul MacLean về não bò sát đã được chứng minh là sai. Nghiêm trọng hơn, VTV dùng một lý thuyết sai để lăng mạ người dân trên đài truyền hình quốc gia, nơi nhiều người dân buộc phải theo dõi để cập nhật tin tức hằng ngày về đại dịch COVID-19.
Sau khi bị phản ứng, VTV âm thầm xóa đoạn clip này trên trang mạng xã hội của mình. BTV Sơn Lâm vẫn tiếp tục xuất hiện trong các bản tin khác. Một MC khác của VTV là Trần Ngọc còn đăng trên Facebook lời bênh vực Sơn Lâm và gọi những người chỉ trích là “ốc chô".
¶ Cố tình đưa tin sai sự thật để kết tội người dân
Ngày 3/8, báo chí đưa tin về sự việc một cán bộ công an chết khi truy đuổi một người dân ra đường lúc thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16. Dù sự việc vừa mới xảy ra và chưa có kết luận của cơ quan điều tra, nhưng nhiều tờ như Tuổi Trẻ đã giật tít “Thanh niên đạp vào đầu xe máy khiến một công an quận 6 hy sinh khi phòng chống dịch". Báo Người Lao Động trong khi đó đưa tin thận trọng về sự việc.
Cùng ngày, một đoạn clip trích camera nhà dân ở khu vực gần đó được lan truyền. Đoạn clip không cho thấy bằng chứng về việc người dân “đạp vào đầu xe máy” như báo chí đưa tin. Clip cho thấy khi bị công an yêu cầu dừng xe kiểm tra do nghi vi phạm giãn cách, người này rồ ga bỏ chạy. Viên công an đã đuổi theo và lạc tay lái tông vào nhà dân bên đường dẫn đến tử vong.
Sau đó, Tuổi Trẻ và các tờ báo khác đã thay đổi tít bài nhưng không cải chính và xin lỗi. Các bản tin có chi tiết “đạp đầu xe máy” vẫn còn được lưu trong các trang dẫn lại.
Trong giai đoạn cao điểm giãn cách tại TP. HCM từ ngày 23/8, người dân sống tại các vùng dịch nghiêm trọng không được ra ngoài mua thực phẩm, shipper không được hoạt động, tất cả phải phụ thuộc vào lực lượng “đi chợ hộ”.
Ngày 26/8, báo VnExpress đưa tin có tình trạng đội đi chợ giúp dân bị người dân “bom hàng” (đặt hàng nhưng không nhận hàng). Bản tin không đề cập đến tên hay địa chỉ của người “bom hàng”. Tối cùng ngày, trên livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời”, một lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nói rằng có tình trạng người dân “bom hàng”.
Ngày 28/8, Zing News đưa tin có phường bị “bom” 100 đơn hàng đi chợ hộ. Theo đó, nhiều phường cho biết các đơn hàng đều theo dạng combo, không phải theo từng món hàng, do đó có nhiều thời điểm thiếu hàng, khó đúng ý người dân nên họ không nhận. Tối 28/8, trong chương trình livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời”, đại diện chính quyền tiếp tục khẳng định có hiện tượng “bom hàng” và dẫn tên một số phường có tình trạng này, kèm theo cảnh báo “sẽ xử lý nghiêm”. Video livestream được lưu lại tại đây.
Sự dồn dập của những thông tin tố dân bom hàng mà không có ý kiến của người dân khiến dư luận bức xúc. Nhiều ý kiến cho rằng bom hàng không phải chuyện phổ biến, và nguyên nhân không nhận hàng có thể xuất phát từ việc giao thiếu hàng. Tuy nhiên, chính quyền và báo chí lại liên tục mô tả nó là do người dân thiếu ý thức, làm khổ đội đi chợ hộ.
Ngày 8/9, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu, Công an TP. HCM, cho biết cơ quan chức năng chưa phát hiện việc cố tình đặt hàng không nhận mà chủ yếu do người dân không rành công nghệ, giao hàng quá trễ, v.v. Đáng chú ý, bạn đầu, khi đăng bài về thông tin này, báo VnExpress đặt tít: “Chưa phát hiện hành vi cố tình 'bom' đơn hàng đi chợ hộ”. Sau đó, tờ này đổi tít thành “Lý do nhiều đơn hàng 'đi chợ hộ' không có người nhận”.
Làn sóng tố dân bom hàng ngưng lại sau thông báo này của Công an TP. HCM. Các tờ báo đã đưa tin về hiện tượng “bom hàng” trước đó đều không có động thái cải chính thông tin.
¶ Đổ lỗi cho người bệnh trong bệnh viện dã chiến ở Bình Dương
Ngày 3/9, mạng xã hội lan truyền một đoạn video clip ghi lại hình ảnh hàng trăm F0 ở Bệnh viện dã chiến cơ sở Thới Hòa, thị xã Bến Cát, TP. Bình Dương, xô đổ hàng rào giật đồ ăn sáng. Lãnh đạo thừa nhận vụ việc là có thật và giải thích là do chưa lập danh sách đầy đủ những F0 mới chuyển tới nên không cung cấp kịp các suất ăn.
Bất chấp lỗi thuộc về cách tổ chức của bệnh viện, báo chí vẫn đưa tin theo cách đổ lỗi hoàn toàn cho các bệnh nhân thiếu ý thức và yêu cầu chấn chỉnh người dân.
Báo Tuổi Trẻ đăng hình suất ăn ngon của khu cách ly này lên với hàm ý bệnh viện đã làm rất tốt, còn cảnh “lộn xộn không đáng có” xảy ra là do ý thức của một số người. Cùng ngày, báo Thanh Niên đưa tin thêm theo hướng đổ lỗi người dân, với tựa đề “Được lo đủ cơm, F0 lại quay ra phá cửa bệnh viện lấy đồ dùng”.
Trong những bài viết này, các tác giả không phỏng vấn bệnh nhân trong bệnh viện, không mô tả điều kiện sinh hoạt của họ, cũng không tìm hiểu lý do vì sao họ phải làm vậy. Bài viết còn cho biết chính quyền sẽ tăng cường cảnh sát cơ động để chấn chỉnh khu cách ly.
Bệnh viện dã chiến Thới Hòa là nơi tập trung hơn 12 nghìn bệnh nhân. Mỗi người bệnh có một chiếc giường sắt, không có màn che, và bị theo dõi 24/24. Người dân phản ánh tình trạng thiếu điện, nước, thiếu thuốc men và bác sĩ chăm sóc.
¶ Giấu xuất xứ Trung Quốc, ca ngợi vaccine Hayat-Vax ở tầm vũ trụ
Tuy nhiên, điều đáng nói không chỉ ở động tác ca ngợi thái quá, mà là cách thức báo chí kiểm chứng và đưa tin về nguồn gốc của loại vaccine này. Một loạt các tờ báo, trong đó có VTV, đưa tin rằng vaccine này là của UAE. Trong khi đó, theo website của Bộ Y Tế, vaccine Hayat-Vax do Công ty TNHH Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG) sản xuất bán thành phẩm. Đây là một đơn vị thuộc Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc Sinopharm. Nói cách khác, đây thực chất chính là vaccine Vero Cell của Sinopharm, được sản xuất và đóng gói tại UAE. Hayat-Vax chỉ là tên thương hiệu khác của cùng một loại vaccine.
Bài viết “tiếng gọi vũ trụ” trên báo Công an Nhân dân sau đó đã bị gỡ, nhưng các tờ báo không có động thái đính chính nào về xuất xứ của loại vaccine này.
¶ Người dân phải trốn trong thùng xe về quê, báo chí giựt tít “như phim”
Ngày 13/9, báo chí đưa tin về vụ việc công an tỉnh Bình Thuận phát hiện 15 người gồm cả trẻ em trốn trong thùng xe tải để về quê ở Hà Tĩnh. 15 người này và tài xế đều xuất trình giấy xét nghiệm âm tính còn hạn.
Hiện tượng người dân ồ ạt đi xe máy về quê hay tìm đủ mọi cách để rời bỏ các thành phố lớn xảy ra phổ biến trong đợt dịch thứ tư. Họ không thể cầm cự do bị mất việc làm, không còn đủ khả năng trả tiền nhà trọ hay mua thực phẩm. Tuy vậy, chính quyền ra sức ngăn cản vì lo ngại dịch lây lan.
Khi đợt dịch COVID-19 thứ tư bùng phát từ tháng 6 đến tháng 9/2021, hàng triệu người lao động tại TP. Hồ Chí Minh mất việc làm. Họ sống trong những phòng trọ hẹp, giữa những lệnh phong tỏa nối tiếp phong tỏa, giữa nỗi sợ nhiễm bệnh, nỗi lo không có thu nhập và không được trợ cấp đầy đủ của chính quyền. Nhiều người dân quyết tâm vượt hàng trăm cây số để trở về quê bằng nhiều phương tiện. Họ đi bộ, đi xe đạp, đi xe máy, thậm chí trốn trong các thùng xe. Nhiều người gặp nạn. Có những người tử vong trước khi về được nhà.
Nguồn tổng hợp: Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp Luật, Dân Trí, Vietnamnet, VTC, VnExpress, Báo Nghệ An.
Người dân tìm cách về quê trong khi các tỉnh phía Nam giãn cách xã hội
Người dân ùn ùn về quê khi TP HCM gia hạn giãn cách thêm 1 tháng
Người dân vẫn đổ về quê ngay cả khi các tỉnh gỡ bỏ giãn cách
Từ cuối tháng 6, các tuyến xe liên tỉnh ở nhiều tỉnh phía Namngừng hoạt động. Mỗi tỉnh có một chính sách khác nhau trong việc đón người dân từ vùng dịch về. Đến giữa tháng 7, nhiều tỉnh như Lâm Đồng, Quảng Ngãi… thông báo ngừng tiếp nhận người dân do quá tải trong các khu cách ly. Không thể về quê bằng xe khách và cũng không được tỉnh hỗ trợ đón về, nhiều người dân quyết định đi xe máy, đi bộ… để trốn khỏi những nơi dịch bệnh bùng phát.
Ngày 15/8, khi TP.HCM thông báo giãn cách thêm một tháng nữa, hàng trăm người ở TP HCM mang theo hành lý và chạy xe máy về quê. Sau nhiều tháng sống trong lệnh phong toả nghiêm ngặt, người dân đã cố gắng chờ đợi đến ngày 15/8 - cột mốc thành phố đã hứa hẹn kết thúc giãn cách, để sớm trở lại quê hương. Chính vì vậy, khi chính quyền thông báo tiếp tục giãn cách, hàng trăm người quyết định trả nhà trọ, lái xe máy về quê.
Ngay khi TP. HCM thông báo giãn cách thêm một tháng tới 15/9, hàng trăm người dân đi xe máy tìm đường về quê. Họ đã sức cùng lực kiệt về kinh tế lẫn tinh thần sau nhiều tháng TP. HCM giãn cách xã hội nên buộc phải tìm đường về quê.
Khi các tỉnh phía Nam gỡ bỏ các lệnh phong toả và bắt đầu giai đoạn thích ứng với dịch từ ngày 1/10, chính quyền kêu gọi người dân ở lại, người lao động vẫn ùn ùn kéo nhau về quê.
Đêm 30/9, báo chí đồng loạt đưa tin cửa ngõ TP HCM phía Tây ùn ứ do đoàn người đi xe máy về quê bị chặn lại bởi chính quyền. Nhiều người dân cho biết họ đã thất nghiệp 4 tháng, hết tiền trả tiền nhà trọ, không còn tiền sinh hoạt nên quyết không quay về TP HCM. Người dân chờ đợi cả đêm và yêu cầu thông chốt. Nhiều clip ghi lại hình ảnh người dân xông lên, đối đầu với lực lượng công an để phá hàng rào, vượt chốt.
Vào ngày 11/7, 47 người Hrê đang làm thuê ở Khánh Hòa quyết định đi bộ về quê ở huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi (khoảng 350 km). Trên đường đi, nhiều người già như muốn ngất xỉu. Một người nói "nếu ở lại họ sẽ không có cái ăn". (Nguồn: Thanh Niên)
Một gia đình 4 người ở Đồng Nai đã quyết định đạp xe từ Đồng Nai về Nghệ An (khoảng 1300 km) vào cuối tháng 7/2021. Khi đến tỉnh Ninh Thuận, họ đã đạp xe được 10 ngày. Trước dịch, 4 người trong gia đình này thuê trọ ở Đồng Nai và làm thuê kiếm sống. Một người trong gia đình nói do dịch bệnh bùng phát nên họ thất nghiệp đã 3 tháng. Theo họ, vì giá cả leo thang nên nếu ở lại, họ cũng sẽ hết luôn tiền ăn. (Nguồn: Báo Nghệ An)
¶ Cả ngàn người về quê, bị kẹt ở địa phận Đà Nẵng và Huế
Cuối tháng 7, có đến cả ngàn người từ phía Nam đi xe máy về quê ở miền Trung. Họ chở cả gia đình trên những chiếc xe cũ chất các bao tải hành lý gồm thức ăn, chăn chiếu... Đến đèo Hải Vân, đoàn người bị kẹt lại do tỉnh tổ chức khai báo y tế. Nhiều người kiệt sức nằm trên sàn đất. (Nguồn: Tuổi Trẻ)
Anh H.T (33 tuổi) làm thợ hồ ở Trà Vinh. Vì bị mất việc do dịch nên anh quyết định mang theo một thùng mì gói, bắt đầu chặng đường đi bộ hơn 1.000 cây số để về Thừa Thiên - Huế. Tính đến ngày 27/7, anh đã đi bộ được 8 ngày, vừa đi anh vừa xin người dân nước sôi để pha mì gói. (Nguồn: Pháp Luật TP.HCM)
¶ Cặp vợ chồng đi bộ từ Hà Nội về quê Hoà Bình để chịu tang mẹ
Ngày 11/8, nhận tin mẹ đang hấp hối, một cặp vợ chồng làm thuê ở Hà Nội tìm cách về quê ở Hoà Bình. Do không có xe khách nên hai người đã đi bộ đến bệnh viện làm xét nghiệm rồi tiếp tục đi bộ về quê ở tỉnh Hòa Bình.
Ngày 6/9, công an Hà Nội phát hiện một tài xế giấu bé trai 12 tuổi trong cốp xe ô tô nhằm vượt qua các chốt kiểm dịch để đưa bé từ Hà Nội về Thái Bình. Cơ quan chức năng nói tài xế nhận 3 triệu để làm việc này, lý do là để bé kịp về quê đi học. (Nguồn: Thanh Niên)
Ngày 13/9, công an tỉnh Ninh Thuận thông báo tìm thấy 15 người (có cả trẻ em) trốn trong thùng xe đông lạnh để qua chốt kiểm dịch. Tài xế nói nhận phí 700.000 đồng/người. Báo chí đưa tin này theo nguồn tin từ công an, không phỏng vấn 15 người về lý do họ quyết định về quê theo cách này. (Nguồn: Zing News)
Anh Thào A Chú và anh Giàng A Vênh (đều quê ở huyện Trạm Tấu, Yên Bái) lên Hà Nội làm thợ hồ. Vừa được 20 ngày thì dịch bùng, họ mất việc, mắc kẹt ở công trường. Tiền ăn cạn dần sau hai tháng, họ quyết định đi bộ về quê. Hành trang của họ trên quãng đường gần 200 km chỉ có bánh mì với nước. (Nguồn: Tuổi Trẻ, đưa tin ngày 14/9/2021)
¶ 500 người đi bộ từ Bình Dương về các tỉnh Tây Nguyên và miền Bắc
Chiều 3/10, tỉnh Bình Phước cho biết có hơn 500 người đi bộ trên đường ĐT. 741 ngang qua tỉnh này để về các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc. Phần lớn người dân đi bộ về quê đều là công nhân, lao động tự do đang sinh sống và làm việc tại Bình Dương. (Nguồn: Thanh Niên)
Ngày 5/10, báo chí đưa tin 28 người Đan Lai đi bộ từ Bình Dương về Nghệ An dù họ hiểu hành trình 1400 km rất gian nan. Họ đều là những người lao động thất nghiệp, kiệt quệ trong đại dịch. (Nguồn: VTC)
¶ Cả nhà 4 người đèo nhau về quê trên chiếc xe máy không yên
Anh A Mà (quê ở Nghệ An) cùng vợ và hai con đi xe máy từ Bình Dương về quê Nghệ An. Xe máy của anh không có yên, chỉ có mỗi bộ khung nên phải dùng 3 chiếc gối làm đệm. Gia đình anh đã thất nghiệp nhiều tháng nay, không còn tiền trang trải cuộc sống, nên quyết định về quê. (Nguồn: Zing News)
¶ 1.300 người đội mưa vượt đèo Hải Vân về quê (6/10)
Ngày 6/10, dù trời mưa lớn, đoàn người di tản khoảng 1.300 người từ các tỉnh phía Nam vẫn quyết chạy xe máy qua đèo Hải Vân để về quê. Trong nhóm này có rất nhiều trẻ em.
Nhiều ý kiến yêu cầu chính quyền địa phương mở hầm Hải Vân để người dân chạy xuyên hầm, tránh đường đèo nguy hiểm. Đến 22h cùng ngày, chính quyền mới quyết định mở hầm. (Nguồn: Tuổi Trẻ, Vietnamnet)
Đầu tháng 10, ông Lê Văn Chiến (75 tuổi, quê huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đạp xe từ huyện Nhà Bè (TP. HCM) về Bến Tre từ lúc 6h sáng. Hành trang của ông là một chiếc túi và một chú chó. Hơn bốn tháng thất nghiệp, ông Chiến phải bán đi hai khoen vàng phòng thân để mua thực phẩm. (Nguồn: Dân Trí)
¶ Gần 2.000 người đi bộ về quê tránh dịch qua tỉnh Hà Nam
Theo Bộ Công an, tính từ ngày 5/10 đến 10/10, có2.000 người (gồm 153 trẻ em) đã đi bộqua tỉnh Hà Nam để về quê. Cũng trong thời gian này,hơn 26.000 người (chủ yếu là lực lượng lao động ở các tỉnh phía Nam) di chuyển dọc tuyến đường Trường Sơn, quốc lộ 1A về quê tránh dịch. (Nguồn: Tuổi Trẻ)
Ngày 12/10, 94 người làm việc tại Khu công nghiệp Long Hậu, tỉnh Long An quyết định đi bộ về quê ở các tỉnh Tây Nguyên. Lý do là họ đã thất nghiệp nhiều tháng, không thể cầm cự được nữa. (Nguồn: Tuổi Trẻ)
¶ Tử vong khi đi xe máy từ Bình Dương về quê Phú Thọ (29/7)
Ngày 29/7, anh X. cùng vợ và hai người con đi xe máy từ Bình Dương về quê ở Lào Cai. Khi đi đến địa phận tỉnh Phú Thọ, họ gặp tai nạn giao thông. Anh X. tử vong sau đó một tuần. (Nguồn: Tuổi Trẻ)
¶ Gia đình 4 người gặp nạn trên đường đi xe máy về quê (31/7)
Anh L.B.G đang làm việc ở một tỉnh phía Nam, quyết định chạy xe máy chở vợ cùng 2 con nhỏ về quê ở Nghệ An tránh dịch. Ngày 31/7, đến địa phận tỉnh Đắk Lắk, xe của gia đình này va chạm với một phương tiện khác khiến anh G tử vong tại chỗ, còn vợ và hai con bị thương nặng. (Nguồn: Lao Động)
¶ Hai mẹ con tử vong khi chạy xe máy về quê (4/10)
Ngày 4/10, chị Hà Thị Vuông (43 tuổi) và con trai Nguyễn Văn Thành (15 tuổi) đi xe máy từ TP HCM về quê Quảng Nam. Khi đến Quảng Nam, xe máy va chạm với xe tải khiến hai mẹ con tử vong.
¶ Thai phụ đẻ rơi trên đường chạy xe máy về quê (8/10)
Chị Thò Y Dũng (21 tuổi) cùng chồng Và Bá Sau (31 tuổi) và con nhỏ một tuổi chạy xe máy từ Bù Đăng (Bình Phước) về quê Nghệ An. Trên đường đi, chị trở dạ và sinh hạ bé trai nặng 3 kg ngay bên lề quốc lộ 1A. (Nguồn: VnExpress)
¶ Một người chết do tai nạn giao thông khi đi xe máy về Nghệ An (8/10)
Đầu tháng 10, hai người đàn ông đèo nhau trên một xe máy từ miền Nam về quê tránh dịch. Hai người này đi cùng một đoàn gồm 6 xe máy. Khi đến huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, xe của hai người đâm vào xe tải dừng bên đường khiến một người tử vong, người kia bị thương nặng. (Nguồn: VnExpress)
¶ Hai công nhân Nghệ An thương vong trên đường về quê (8/10)
18h ngày 8/10, hai công nhân quê Nghệ An trên đường đi xe máy về quê tránh dịch đã va chạm với một xe công nông chở keo tràm tại Quảng Bình. Một người thiệt mạng (36 tuổi), người kia bị thương nặng. Họ đi cùng đoàn công nhân Nghệ An hồi hương từ miền Nam. Nhiều vụ tai nạn xảy ra trên hành trình này. (Nguồn: Tuổi Trẻ, Báo Nghệ An)
Tối 31/7, anh Trường Xuân Sơn (46 tuổi, quê Nghệ An) lái xe ba gác đưa vợ và ba con từ TP. HCM về quê tránh dịch. Khi dừng lại tại chốt kiểm soát ở Bình Thuận để khai báo y tế, họ bị một chiếc xe tải tông phải, kéo lê hàng chục mét. Người con trai 16 tuổi tử vong tại chỗ, 4 người còn lại của gia đình được đưa đi cấp cứu. (Nguồn: Báo Nghệ An)
¶ 7. Những vụ việc đáng chú ý khác đã được nhắc đến trong các bài viết trên Luật Khoa